Trường phái Lãng mạn và Trường phái Hiện thực (1809 – 1970) Văn_học_Thụy_Điển

Trong năm 1810 Polyfem tại Stockholm và Phosphoros tại Uppsala, 2 tờ báo văn học, bắt đầu được phát hành, có khuynh hướng đối nghịch lại với Trường phái Cổ điển trong phạm vi của Viện Hàn lâm Thụy Điển và vì thế đã giúp Trường phái Lãng mạn thành công. Per Daniel Atterbom trong nhóm Uppsala trở thành một trong những người đại diện quan trọng nhất của Trường phái Lãng mạn. Người bạn và đồng thời là giáo sư đồng nghiệp của Atterbom, Erik Gustaf Geijer, và người sau ông là Esaias Tegnér là những người đại diện cho một trường phái lãng mạn quốc gia, trường phái tìm lại Bắc Âu cổ điển trong lịch sử. Với bài thơ Vikingen Geijer đã đưa hình ảnh của những người Viking đi vào văn học và đã trở thành mẫu mực cho Frithiofs saga của Tegnér cũng như cho một loạt các tác phẩm sau đó. Nhà thơ tình lớn nhất của Thời kỳ Lãng mạn là Erik Johan Stagneliu, người qua đời khi vừa 30 tuổi và tầm quan trọng của ông chỉ được dần dần nhận ra sau khi ông qua đời. Các quyển tiểu thuyết đầu tiên cũng xuất hiện trong Thời kỳ Lãng mạn, đáng kể nhất là quyển tiểu thuyết Drottningens juvelsmycke (Châu báu của hoàng hậu) của Carl Jonas Love Almqvist.

Almqvist phát hành quyển tiểu thuyết Det går an 5 năm sau đó, năm 1839, đặt dấu hỏi về thể chế của hôn nhân, miêu tả hai người chung sống với nhau mà không qua lễ trong nhà thờ. Quyển tiểu thuyết này đã chấm dứt đột ngột sự nghiệp nhân viên nhà nước của Almqvist và là một thí dụ cho bước ngoặt trong văn học đi đến Trường phái Hiện thực, trường phái thích hợp hơn để mang lại ánh sáng văn học cho các câu hỏi về xã hội. Các nhà văn viết tiểu thuyết thành công nhất trong thời gian này là 3 người phụ nữ: Fredika Bremer, Sophie von KnorringEmilie Flygare-Carlén, mà trong đó đặc biệt là Fredika Bremer đã đánh dấu các nỗ lực giải phóng người phụ nữ thông qua các tác phẩm văn học của bà, thí dụ như trong quyển tiểu thuyết Hertha. Chấm dứt thời kỳ này là Viktor Rydberg, người mà văn của ông đã biểu lộ lòng tin về các lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp và của Chủ nghĩa Tự do. Quyển tiểu thuyết Den siste Athenaren (Người Athen cuối cùng) của ông là một lời phê bình mạnh mẽ về đạo Thiên Chúa giáo điều.